top of page

Suy nghĩ thứ hai - chế độ phong kiến

  • Writer: Kha Nguyen
    Kha Nguyen
  • Dec 12, 2021
  • 5 min read

Đôi khi soi lại mình, tôi nghĩ rằng những suy nghĩ của mình đi xa quá. Nó làm cho tôi lại gần những thế hệ ngày xưa, những cuộc đời hàng trăm hàng nghìn năm trước, nhưng nó lại tạo ra một kẽ nứt giữa tôi với những người bạn trong chính thời đại này. Nó làm cho tay tôi khó mà nắm lấy tay những người mà tôi yêu quý. Nhiều người bạn của tôi sẽ không tưởng thưởng những bài viết như bài này, nhưng tôi biết làm thế nào được? Tôi muốn tách biệt logic ra khỏi tình cảm, và suy nghĩ về những chủ đề xưa cũ này với sự hứng thú không kém gì nghĩ về một ngôi sao nhạc rap, một trận bóng đá hay một bộ phim Hàn Quốc. Sẽ có lúc tôi bàn về chuyện thời đại, nhưng hôm nay, hãy bàn về thời kỳ phong kiến.

Ngắm cảnh Bình Định trước khi bàn chuyện Tây Sơn


Tôi mới đọc xong Hoàng Lê Nhất Thống Chí (thật ra là nghe audio book). Đôi lúc tôi đồng cảm với các nhân vật trong truyện, nhưng xuyên suốt cả quyển sách, tôi sững sờ nhận ra mình đã hiểu sai hoàn toàn về xã hội phong kiến ở Việt Nam. Tôi đã nghĩ rằng dù là chế độ nào, thì cũng là một kiểu chính phủ điều hành đất nước, đưa ra luật lệ, bảo vệ nhân dân, được nhân dân kính trọng. Đại thể là ít nhiều giống như xã hội bây giờ, chỉ là chuyên chế hơn, vua làm đến chết. Nhưng có vẻ như tâm lý ngày ấy hoàn toàn khác. Đối với người dân, thông tin ít ỏi, biết chuyện làng bên đã là xa, thì khái niệm đất nước dường như không tồn tại. Có vẻ như tâm lý chỉ là biết chuyện làng mình xã mình, và có một bộ máy trên đầu mình đến thu tô thuế, không nộp sẽ bị đánh phạt. Muốn không bị phạt thì phải cấy cày lao động, hoặc học hành thi thố ra làm quan — nghĩa là tham gia vào chính bộ máy đi thu thuế. Chuyện đi lính không phải để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, mà là để kiếm miếng ăn. Đơn giản vậy thôi.

Bản chất vua chúa ấy là cướp bóc, muốn ăn mà không muốn làm. Không những thế, còn là cướp bóc của dân rồi ban phát lại cho dân một chút và gọi là bổng lộc triều đình. Cái mục đích của vua chúa ấy là giữ gìn ngai vàng cho gia đình dòng họ, mở mang bờ cõi — cũng là một kiểu để tăng quy mô cướp bóc để mà sống sung sướng. Để giữ gìn ngai vàng thì phải an dân tránh nổi loạn, mà để như thế thì phải đàn áp, phải giữ dân đủ ngu dốt. Vì thế vua mới được mang ra mà so với trời, là thiên tử, là người trời. Tất cả là một mớ propaganda khổng lồ hàng nghìn năm trên cả đất nước, mà bất kỳ ai lớn lên ở thời kỳ đó đều bị nhồi nhét từ khi sinh ra cho tới khi chết. Đến nỗi bao nhiêu người tình nguyện lìa đời vì cho rằng thế là mình trung hiếu. Nếu từ khi sinh ra đã được dậy rằng luôn có một đấng cứu thế ở trên đầu mình và có toàn quyền với cả cơ thể, tài sản, tự do của mình, thì cả cuộc đời có lẽ cũng không khi nào dám nghĩ đến việc không có cái đấng đấy — chỉ là đổi sang là ai mà thôi.

Có người sẽ bảo có những vị vua yêu dân như con, cả cuộc đời cố gắng để dân giàu nước mạnh. Tôi cho rằng ấy là do tài năng quản lý của vị vua đó, chứ không phải vị vua ấy muốn làm những điều tốt nhất cho nhân dân. Hiển nhiên từ trong tư tưởng, vua đã là nhất, thì vua phải được hưởng những thứ tốt nhất, rồi lọt sàng xuống nia, sẽ đến lượt quan quân ấm no, rồi mới đến lượt nhân dân. Vua thu thuế của nhân dân, có bị bắt buộc phải làm gì để bảo vệ nhân dân hay không? Hay là bảo vệ nhân dân là vì để họ tiếp tục đóng tô thuế, an toàn cho bát cơm của vua? Hơn nữa giai thoại về đức độ của vua chúa, đều là do đám quan ngự sử trong kinh ghi chép lại mà ra, hoặc chí ít cũng là do người có chữ nghĩa trong hàng quan lại. Dân đâu có biết chữ mà viết, chỉ có thơ vè truyền miệng mà thôi, qua được vài năm hoặc vài thế hệ là phai mờ đi cả. Rồi chính bởi sự khác nhau về nhận thức giữa quan quân và nhân dân như vậy, mà cả vòng xoay xã hội cứ thế quay đều cả ngàn năm không bị dừng lại; tuy có đổi triều đại nhưng về thứ tự cơ bản không thay đổi là bao. Thứ tư tưởng Khổng giáo ăn sâu vào xã hội từ hàng ngàn năm trước là thứ tư tưởng quá phù hợp để đảm bảo oai nghiêm quyền lực của triều đình. Nhờ nó mà triều đình cho dù có thối nát đê hèn vẫn được tính chính danh, và vua chúa quan lại vẫn nghiễm nhiên được tôn sùng, được ăn chơi trong khi đất nước lầm than. Thật là một thể chế không thể chấp nhận được.

Trong khi ý tưởng về nền cộng hoà và dân chủ đã được bàn luận ở Châu Âu từ hơn 2000 năm trước, những ý tưởng đó vẫn chưa thể len lỏi vào xã hội phong kiến Việt Nam cho tới tận những năm cuối cùng khi quan lại Việt bắt đầu được sang Pháp học hỏi. Hai ngàn năm! Đó là hậu quả của tư tưởng vua tôi, của Khổng giáo, đã kìm hãm tư tưởng và sự phát triển của người dân. Trước đây tôi cũng có nghĩ rằng nhờ triều đại phong kiến mà có những công trình xây dựng, văn hoá sâu sắc. Nhưng giờ nghĩ lại hàng ngàn năm sống trong lớp sương mù phong kiến, tôi lại tự hỏi, thế có đáng không? Giả sử tôi có thể đi ngược thời gian, về thời kỳ hưng vượng bậc nhất của đất nước thời Trần, và tôi nói với vua Trần Thánh Tông về mô hình quân chủ lập hiến, về Plato và về những nước phương Tây — thì ngày nay cuộc sống sẽ ra sao? Tất nhiên sẽ còn cần bàn đến dân trí và quan trí, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều cải thiện.

Khi bắt đầu vén được tấm màn che bức tranh xã hội phong kiến, tôi nghĩ thêm rằng cho dù thời đại ngày nay có nhiều thiếu sót và nhiều điều chướng tai gai mắt, thì cũng không nên nuối tiếc một quá khứ vua tôi kia làm gì. Cuộc sống ấy không chỉ chứa nhiều bất công xã hội, đói nghèo triền miên mà còn kìm hãm sự phát triển của con người, giam cầm sự tiến bộ trong những những luật lệ ngu xuẩn. Chúng ta được sinh sống ở ngày nay, âu cũng là một điều may mắn.

Comentarios


bottom of page