Tập nghĩ điều khó
- Kha Nguyen
- Jul 2, 2023
- 4 min read
1. CẮT XÉN QUÁ TRÌNH
Tôi từng nghe nhiều lần rằng chúng ta nên khuyến khích việc đi tắt đón đầu, bỏ qua công đoạn nếu có thể, để đạt được hiệu quả cuối cùng. Sau thời gian dài đi làm và sử dụng các loại dịch vụ, sản phẩm, tôi thấy rằng đây là một tâm lý rất nguy hiểm và độc hại, nó chỉ có thể giúp chúng ta đạt được hiệu quả nhất thời, nhưng khả năng cao sẽ gây ra nhiều tổn hại trong đường dài.
Trong lập trình phần mềm, có khái niệm composability, nghĩa là dựa trên những kết quả đã được người khác (hoặc chính mình) xây dựng trong quá khứ, kết hợp lại và tạo ra những sản phẩm mới sáng tạo, hữu ích hơn. Muốn làm được điều này, những thành phần được sử dụng cần phải được xây dựng cẩn thận, có tiêu chuẩn và quy cách phù hợp với thông lệ của cả thị trường. Tuy nhiên nếu một sản phẩm chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng của mình mà không làm thận trọng những quy trình ở giữa, thì nó sẽ không thể được dùng làm một thành phần trong những sản phẩm lớn hơn, hay hơn, mới hơn. Nó sẽ chỉ tồn tại là chính nó, và dần dần lạc hậu, bị đào thải mà không có cách nào gượng dậy được.
Tôi tin rằng những ngành khác cũng chia sẻ đặc tính này, khi những thành phần được làm cẩn thận, thì cả hệ sinh thái, hay chuỗi giá trị sẽ hình thành rất tự nhiên và bền vững. Còn nếu chỉ một phần, hoặc tệ hơn là phần lớn được làm theo cách đi tắt đón đầu, chỉ hướng đến mục đích cá nhân trước mắt, thì cả hệ sinh thái cũng trở nên độc hại và phân rã, mạnh ai nấy sống. Kết quả là tất cả cùng vất vả vì không có sự nương tựa lẫn nhau những lúc cần.
2. NGHĨ NHỮNG ĐIỀU PHỨC TẠP

Tôi thường hay thích tổng hợp những điều phức tạp thành những khái niệm đơn giản, và nhiều khi tôi thấy thói quen này làm mình trở nên hời hợt và nông cạn. Tôi cho rằng chúng ta trên con đường phát triển (như một cá nhân hay một xã hội), tư duy cần phải phức tạp hơn, chính xác hơn và dài hạn hơn. Những điều này đặc biệt quan trọng với các chuyên gia, và tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta đều nên trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.
Có lẽ chúng ta nên làm quen với cách suy nghĩ để xây dựng nên những hệ thống lớn hơn những gì chúng ta đang có, và suy nghĩ rất thấu đáo, tường minh chứ không phải chỉ là một tưởng tượng mơ hồ. Những thứ như thiết kế một chiếc xe ô tô, hay một chiếc tàu vũ trụ, hay một hệ thống phần mềm cho hàng tỉ người dùng, là những thứ chúng ta cần rèn luyện. Chúng ta cần phải phiêu lưu vào những bài toán lớn hơn, có nhiều thành phần hơn, và thử thách trí tưởng tượng của mình thường xuyên hơn.
Tôi cho rằng đây là một thói quen, hơn là một khả năng. Ai cũng có thể làm những điều này nếu họ có đủ động lực. Động lực đó có thể là áp lực từ trường lớp, hay để kiếm sống nuôi gia đình, hay niềm đam mê, hay một sứ mệnh, nhưng cần phải có một dộng lực đủ lớn.
Nhìn lại lịch sử, có rất nhiều khái niệm từng được cho là phức tạp giờ đây được coi là kiến thức phổ thông. Ví dụ như thị trường chứng khoán, hay đại số, hay tích phân, hay lập trình cơ bản. Nói chung, tôi thấy đầu óc con người có khả năng tư duy rất tốt và gần như không có gì là khó cả. Nếu nhìn vào một chặng đường leo núi mấy chục km chúng ta thấy nó lớn, nhưng nếu bước đi thì dần dần cũng sẽ hết, và bản chất là cả chặng đường chúng ta cũng không làm gì phức tạp hơn là - đi bộ. Ở Việt Nam trước đây tôi thấy có rất ít nhà cao tầng, hay sân bay, hay cầu vượt, đến nỗi tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ tự làm được những thứ đó một mình, mà sẽ phải có hỗ trợ từ nước ngoài. Thế nhưng rồi qua năm tháng, giờ đây những kỹ sư Việt Nam đều làm được những thứ đó, thậm chí làm rất nhanh, rất hiệu quả. Vẫn là những con người đó, vẫn là những công trình đó, tôi không nghĩ chúng ta có sự đột biến về trí thông minh nào cả. Điều đó chỉ chứng minh rằng việc nghĩ lớn hơn, phức tạp hơn, và biến những điều đó thành thói quen - chính là chìa khoá mở ra việc có những thành tựu lớn hơn. Cách nghĩ này đúng cho mọi lĩnh vực, không chỉ trong ngành xây dựng. Bạn nghĩ rằng mình có thể viết một cuốn tiểu thuyết? Hay soạn một bản giao hưởng? Điều đó đều có thể.
Comments